Nhân dịp kỷ niệm 1 năm nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Mỹ, Phái đoàn thương mại với hơn 100 thành viên, bao gồm 50 đại diện của 35 doanh nghiệp Mỹ, đại diện 9 Bộ Nông nghiệp thuộc 9 bang và đại diện đến từ 21 hiệp hội ngành hàng nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thăm Việt Nam. Phái đoàn dẫn đầu bởi Thứ trưởng phụ trách Đối ngoại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Mỹ - Bà Alexis Taylor.

 

Ngày 12/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Alexis Taylor đã có cuộc hội đàm với 10 công ty Việt Nam hoạt động trong ngành thực phẩm và nông sản

 

Thứ trưởng phụ trách Đối ngoại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Mỹ - Bà Alexis Taylor (mặc áo xanh ngồi giữa). Ông Nguyễn Xuân Hải - Tổng giám đốc Klever Fruit (phía bên phải)

 

Bà Thứ trưởng đánh giá rất cao thị trường Việt Nam. Đây là lần thứ 2 bà tới thăm Việt Nam và đây là thị trường bà dành sự quan tâm nhiều nhất trong nhiệm kỳ, bà chia sẻ. Bà Thứ trưởng rất vui mừng khi thấy sản phẩm trái cây của Việt Nam như bưởi đã được vào thị trường Hoa Kỳ và sắp tới đây hai bên đang thảo luận cho chanh leo của Việt Nam.

 

 

 

Các doanh nghiệp đầu ngành đã chia sẻ tình hình phát triển kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam mặc dù đã rất phát triển nhưng vẫn mới chỉ chiếm trên 20% tổng giá trị bán lẻ, 80% còn lại vẫn thuộc kênh bán lẻ truyền thống (GT). Như vậy tiềm năng còn rất lớn. Đại diện doanh nghiệp nhập khẩu thịt cũng cho rằng việc đẩy mạnh các sản phẩm thịt như thịt gà, bò, lợn của Mỹ vào Việt Nam trong thời gian vừa qua đã phần nào thay đổi tích cực đến văn hoá dùng thịt tươi sống sang dùng thịt đông lạnh. Sự thay đổi này cải thiện tính an toàn thực phẩm hơn do khâu nuôi trồng, giết mổ và đông lạnh tiêu chuẩn sẽ cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn USDA. Tuy nhiên, do Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có hiệp định thương mại song phương như Australia và New Zealand nên thuế hiện tại vẫn đang ở mức cao. Trong khi các nước khác có hiệp định thương mại giảm dần thuế với Việt Nam đã được hưởng thuế suất bằng 0%.

 

 

 

Liên quan đến ngành trái cây tươi, đại diện của Klever Fruit - Ông Nguyễn Xuân Hải cho rằng tiềm năng của thị trường còn rất nhiều, nhất là thị trường tỉnh. Song việc thiếu hụt về hạ tầng, kho lạnh… các mắt xích trong chuỗi cung ứng chính là các thách thức không hề nhỏ và đây là chìa khoá thành công cho các doanh nghiệp nếu muốn tấn công vào thị trường này. Liên quan đến trái cây Hoa Kỳ, ông Hải cho rằng USDA đã trở thành thương hiệu tại Việt Nam và trái cây hữu cơ xuất xứ từ Hoa Kỳ hoàn toàn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, giá cả, một phần do thuế, một phần do các yếu tố vận chuyển khác, các sản phẩm trái cây tươi của Hoa Kỳ vẫn gặp khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm khác; như trái cây từ Trung Quốc với chất lượng, hình thức, bao bì đóng gói liên tục được cải thiện trong những năm vừa qua. Với sản phẩm Xuân Đào và Đào của Hoa Kỳ mới được cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam, cùng với sự nỗ lực hơn nữa của những doanh nghiệp, nhà trồng tại Hoa Kỳ phải giữ vững chất lượng, luôn thay đổi và sáng tạo ra các giống mới liên tục. Chắc chắn các sản phẩm trái cây tươi của Hoa Kỳ sẽ có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam, cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm cao cấp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.